CẬU BÉ TÍCH CHU
( Truyện cổ tích Việt Nam)
Ngày xửa ngày xưa, có một cậu bé tên là Tích Chu. Bố mẹ Tích Chu mất sớm vì thế cậu ở với bà của mình.
Hàng ngày bà phải làm việc vất vả để kiếm tiền nuôi Tích Chu. Nhà có thức gì ngon cũng để dành cho cậu cả. Ban đêm, khi Tích Chu ngủ thì bà thức quạt. Thấy bà thương cậu bé Tích Chu, có người bảo:
– Bà ơi! Lòng bà thương Tích Chu còn cao hơn cả trời, rộng hơn cả biển. Lớn lên, Tích Chu sẽ không khi nào quên ơn bà đâu!
Thế nhưng khi lớn lên, Tích Chu lại chẳng biết thương bà. Bà tuổi đã cao, mắt đã mờ, mà hàng ngày vẫn phải làm việc vất vả, còn Tích Chu suốt ngày chỉ biết rong chơi, a dua theo lũ bạn xấu trong làng.
Vì luôn phải làm việc cực nhọc, lại ăn uống kham khổ nên bà bị ốm. Bà lên cơn sốt mà chẳng có ai trông nom. Cậu bé Tích Chu còn mải rong chơi cùng lũ bạn, chẳng nghĩ gì đến bà đang ốm nằm ở nhà.
Một buổi trưa, trời nóng nực, cơn sốt lên cao, bà khát nước quá, liền gắng gượng gọi với ra ngoài:
– Tích Chu ơi, cháu có đấy không, lấy cho bà ngụm nước. Bà thấy khát và mệt quá!
Bà gọi một lần, hai lần… rồi ba lần, nhưng vẫn không thấy tiếng của cậu bé Tích Chu đâu cả.
Mãi đến chiều, Tích Chu đang chơi đùa với lũ bạn, tự nhiên thấy bụng đói quá, bèn chạy về nhà, định vào trong bếp tìm xem còn gì ăn được không.
Cậu bé Tích Chu cất tiếng gọi bà. Cậu tìm trong nhà, ngoài sân, thậm chí tìm khắp cả ngoài vườn cũng không thấy bà đâu.
Bụng đang đói cồn cào, chợt có tiếng nói quen thuộc của bà vang lên từ ngọn cây góc sân:
– Tích Chu về rồi đấy à! Cháu đói lắm phải không!
Cậu bé Tích Chu hết sức ngạc nhiên khi nhìn thấy một con chim đang nói chuyện với mình. Con chim kêu lên mấy tiếng, rồi nói tiếp:
– Cúc cu cu… Cúc cu cu… Là bà đây Tích Chu. Bà nằm ở nhà khát nước quá, không thể chịu nổi, nên đành phải hóa thành chim, bay đi để kiếm nước uống.
Tích Chu nghe thấy chim nói thế, cậu chuyển từ ngạc nhiên sang hoảng sợ, kêu lên:
– Bà ơi Bà ơi! Bà trở lại như cũ đi. Cháu sẽ mang nước ra ngay cho bà đây!
– Cúc cu cu… Cúc cu cu… Đã quá muộn để bà có thể trời lại rồi cháu yêu ạ. Từ nay, cháu phải tự lo cho mình nhé! Bà cũng phải bay đi tìm thức ăn đây! Bà yêu Tích Chu của bà lắm!
– Bà ơi, bà đi đâu? Bà đừng đi. Xin bà hãy ở lại đây với cháu!
Nhưng chim đã vỗ cánh bay đi. Cậu bé Tích Chu cứ hớt hải chạy theo. Chim bay đi đâu, cậu chạy tới đó, miệng liên tục gọi với theo, giọng cậu lạc đi trong dòng nước mắt:
– Bà ơi! Xin bà! Xin bà hãy ở lại với cháu! Cháu sẽ đi lấy nước cho bà!
Cuối cùng, chim đỗ lại ở một dòng suối mát để uống nước.
Tích Chu hổn hển chạy đến, gọi:
– Bà ơi! Bà trở về với cháu đi! Cháu sẽ đi lấy nước cho bà! Cháu hứa sẽ không làm bà buồn nữa!
– Cúc cu cu… Cúc cu cu… Quá muộn rồi Tích Chu ơi! Bà không thể quay trở lại được nữa!
Nghe chim nói thế, cậu bé Tích Chu òa khóc nức nở. Cậu hối hận vì đã không chăm sóc bà khi bà đau ốm, không giúp đỡ bà những công việc hàng ngày, không nghe lời bà dạy bảo mà chỉ biết chạy theo lũ bạn xấu,… Tích Chu càng thương bà càng tự trách bản thân. Tất cả đã trở lên quá muộn. Cậu bé hối hận vô cùng.
Đúng lúc ấy, có một bà tiên hiện lên, nhẹ nhàng nói với cậu bé:
– Nếu cháu muốn bà trở lại thành người như trước đây, thì cháu phải đi lấy nước ở dòng suối Tiên về cho bà uống. Nhưng đường đi đến dòng suối Tiên xa xôi và hiểm trở lắm, cháu có đi được không?
Tích Chu ngừng khóc, trả lời bà tiên:
– Xa đến mấy cháu cũng đi, nguy hiểm mấy cháu cũng không sợ. Chỉ cần bà trở lại thành người như trước, vì gì cháu cũng làm ạ.
Bà tiên chỉ đường cho Tích Chu. Cậu bé cảm ơn bà, rồi không phút chần chừ, hăng hái đi ngay.
Trải qua biết bao khó khăn vất vả, khi thì phải leo núi vượt thác hiểm trở, lúc lại phải băng qua khu rừng rậm rạp tối om, dọc đường gặp vô vàn thú dữ cũng như nguy hiểm bủa vây nhưng Tích Chu vẫn không hề nản chí. Đôi chân cậu bé rướm máu, sưng vù, áo quần bị gai rừng xé toạc đâm vào da đầy đau đớn. Cuối cùng, Tích Chu cũng đến được dòng suối Tiên và mang nước về cho bà uống.
Được uống nước suối Tiên, bà của Tích Chu liền trở lại thành người.
Từ đấy, cậu bé Tích Chu hết lòng yêu thương chăm sóc bà, không còn chạy đi lêu lổng với đám bạn xấu trong xóm nữa.