1. Trường mầm non là gì?
Hiện nay khái niệm “trường mầm non” (Kindergarten) và “nhà trẻ” (Preschool) đang bị nhầm lẫn. Có rất nhiều nơi nhầm tưởng hai khái niệm này là một.
“Trường mầm non” là đơn vị giáo dục cơ sở của ngành học mầm non, hình thức tổ chức liên hợp giữa nhà trẻ và mẫu giáo. Trường mầm non có chức năng thu nhận để chăm sóc và giáo dục trẻ em từ 2 tháng đến 6 tuổi, nhằm giúp trẻ hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách; bước chuẩn bị cho trẻ em vào lớp 1.
Bé học tại trường mầm non luôn được tham gia rất nhiều hoạt động
Trường mầm non có các lớp mẫu giáo và các nhóm trẻ. Trường có ban giám hiệu quản lý và do hiệu trưởng phụ trách.
Hiện nay, có 3 loại hình giáo dục mầm non:
– Công lập là loại hình do Nhà nước tổ chức, điều hành, đầu tư cơ sở vật chất, trả tiền lương cho cán bộ, công nhân viên và chi trả cho các hoạt động thường xuyên của trường.
– Dân lập là loại hình do tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế xin phép thành lập, tự đầu tư bằng vốn ngoài ngân sách và huy động các nhà đầu tư cùng đóng gópcông sức, kinh phí và cơ sở vật chất để xây dựng.
– Tư thục là loại hình do cá nhân hay một nhóm cá nhân xin phép thành lập và tự đầu tư.
Chương trình mầm non chia làm 6 lĩnh vực sinh hoạt: sinh hoạt cơ bản, vận động thể chất, quan hệ xã hội, giao tiếp, khám phá tự nhiên, kinh nghiệm nghệ thuật.
Lớp học giáo dục mầm non: là một tổ chức của trường học giáo dục mầm non hoặc tổ chức độc lập gồm các học sinh cùng được nuôi dạy theo một chương trình do một hoặc nhiều giáo viên nuôi dạy nhưng có sự quản lý trực tiếp của một giáo viên chủ nhiệm. Theo đó, lớp giáo dục mầm non được phân thành 2 hệ: hệ nhà trẻ và hệ mẫu giáo. Hệ nhà trẻ gồm các nhóm trẻ ở độ tuổi 3 tháng đến 3 tuổi. Hệ mẫu giáo gồm các lớp mẫu giáo cho trẻ em ở độ tuổi từ 2 đến 6 tuổi
2. Lợi ích cho trẻ đi học tại trường mầm non
Trường mầm non có chương trình phù hợp với sự phát triển tự nhiên của trẻ theo lứa tuổi
Với tiêu chí, mục đích hoạt động cụ thể trường mầm non xây dựng các chương trình phù hợp cho từng lứa tuổi. Bằng việc phân ra các lớp khác nhau, các bé được học và chơi đúng với sự phát triển của lứa tuổi mình. Hơn nữa, chất lượng đào tạo và phương pháp giảng dạy của trường mầm non được kiểm tra và kiểm duyệt thường xuyên bởi các cơ quan của Bộ giáo dục và các ban ngành chức năng.
Những trường mầm non chất lượng còn liên tục bổ sung cơ sở vật chất phục vụ việc giảng dạy, thường xuyên đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Mỗi ngày, họ đều có phương pháp kích thích sự học hỏi ở trẻ, làm cho quá trình phát triển của trẻ phong phú hơn. Vì thế, nếu bé được gửi đến học ở một trường mầm non uy tín, bạn hãy yên tâm rằng con của mình sẽ được học tập và phát triển trong môi trường phù hợp với lứa tuổi.
Trường mầm non thúc đẩy phát triển ngôn ngữ và giao tiếp ở trẻ
Bé ở nhà chủ yếu tiếp xúc với cha mẹ, ông bà, những người thân quen. Nhiều cha mẹ lo lắng rằng nếu gửi con đến trường con sẽ không thể làm quen với môi trường mới lạ. Trái ngược với những lo lắng đó, nếu được tương tác cùng những đứa trẻ khác bé sẽ hòa nhập rất nhanh chóng. Những ngày đầu có thể bé còn nhiều bỡ ngỡ, rụt rè nhưng khi được tiếp xúc nhiều hơn với các bạn, bạn sẽ biết cách tự thể hiện bản thân, nhận định được bản thân trong tập thể. Từ đó sẽ học được những nguyên tắc ứng xử cơ bản để giao tiếp và chia sẻ với bạn bè và thầy cô giáo. Ý thức về sự phát triển xã hội sẽ dần hình thành. Bé biết cách chơi nhóm, làm việc nhóm, tương tác tốt với bạn khi cùng thực hiện một công việc chung.
Có nhiều bạn hơn, nói chuyện nhiều hơn thì vốn ngôn ngữ của bé sẽ phong phú và linh hoạt hơn, cách ứng biến trong giao tiếp sẽ nhanh nhẹn hơn. Rất nhiều ông bố bà mẹ ngạc nhiên là tại sao con mình lại có thể nói ra những câu chữ bài bản, có nội dung và ý nghĩa. Thông qua các hoạt động như hát, kể chuyện, diễn kịch bé sẽ được học thêm nhiều từ vựng về nhiều chủ đề khác nhau như thiên nhiên, đất nước, văn hóa,…
Khi học ở lớp, bé sẽ được các cô hướng dẫn đẻ kiểm soát các xảm xúc tiêu cực và những cơn nóng giận khi không được như ý muốn. Đồng thời, bé được chứng kiến việc xử lý cảm xúc từ các bạn khác để có thể tự rút ra bài học cho bản thân. Đây là một trong những quy tắc ứng xử mà trong gia đình cha mẹ khó thiết lập được cho con cái, hoặc bởi phương pháp chưa đúng, hoặc bởi cha mẹ quá nuông chiều con nên con không nghe lời.
Trường mầm non rèn luyện các kỹ năng vận động cho trẻ
Giáo trình dành cho mỗi lứa tuổi là khác nhau. Những trò chơi, các hoạt động và các kỹ năng dạy cho trẻ phải tuân thủ theo giáo trình để không rơi vào tình trạng gây áp lực lên trẻ. Kỹ năng chăm sóc bản thân thể hiện ở việc bé biết dọn dẹp đồ chơi, tự ăn uống, tự thay quần áo, tự đánh răng,… Kỹ năng giữ gìn vệ sinh là biết vệ sinh đúng nơi quy định, xả nước sau khi đi vệ sinh, rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, bỏ rác vào đúng nơi quy định. Kỹ năng giúp đỡ người khác thể hiện ở việc giúp cô phát sách bút, bật quạt, lấy đồ vật, tưới cây,.. Trong các kỹ năng trên thì kỹ năng tự lập là quan trọng nhất.
Đối với trẻ 2 tuổi, bé mới chỉ nhận thức được những vấn đề đơn giản nên sẽ thực hiện các hành động đơn giản như học cách tự chơi, tự ăn, rửa tay trước khi ăn. Nếu như ở nhà cha mẹ sẽ làm hết những phần việc này cho con, nhưng nếu ở lớp thì các con sẽ phải tự học cách để làm như tất cả các bạn.
Đối với trẻ 4 tuổi, các cô sẽ có những bài học giúp các con phát huy tối đa khả năng và sở thích của bản thân. Bé sẽ học được các kỹ năng như dọn dẹp đồ chơi, xếp gọn gàng sách vở lên giá sách, bỏ rác đúng nơi quy định, tưới cây,…
Đối với trẻ 5 tuổi, các bé sẽ được khuyến khích nói lên suy nghĩ và mong muốn của bản thân. Ở lứa tuổi này đã có thể làm nhiều việc đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ như bày bát đũa khi ăn cơm, xếp bàn ghế nhỏ gọn gàng, phân chia sách vở cho các bạn,… Ngoài ra bé sẽ được học thêm nhiều kỹ năng vận động khác.
Trường mầm non tạo cho bé nhiều cơ hội khám phá hơn
Đầu tiên là khám phá bản thân. Muốn giúp trẻ khám phá bản thân thì cần phải biết được bé thuộc nhóm tính cách nào, sở thích và năng khiếu của bé là gì. Cách bé chơi đùa cùng các bạn, khả năng tiếp nhận các bài học trên lớp sẽ dần dần bộc lộ tính cách của bé. Nếu bé có xu hướng hướng ngoại thì các cô sẽ tạo điều kiện cho con tham gia nhiều hơn vào các trò chơi tập thể với vai trò lãnh đạo hay điều phối. Nếu là tính cách hướng nội thì thích chơi các trò độc lập hơn, các cô sẽ dần khuyến khích bé tham gia vào chơi cùng các bạn. Bé sẽ dần nhận diện được bản thân, biết mình yêu ghét gì, biết rõ mình nên làm gì, sẽ tự tin mạnh dạn. Từ việc khám phá bản thân bé sẽ có xu hướng tò mò muốn khám phá người khác. Ví dụ như khi bé yêu quý một bạn trong lớp thì thường có xu hướng tìm hiểu xem bạn đó thích ăn gì, thích mặc quần áo thế nào, thích chơi trò gì,… Bé sẽ học được cách tôn trọng người khác, tôn trọng sở thích của người khác.
Tiếp đến là khám phá thế giới xung quanh. Trẻ ở độ tuổi mầm non thường thích quan sát thiên nhiên. Khi đến trường, bé sẽ có cơ hội khám phá thiên nhiên cùng bạn bè thông qua những chuyến đi dã ngoại, thăm công viên, tham gia các chương trình như tập làm nông dân hay tập làm thợ nặn,…
Trường mầm non là nơi chơi mà học, học mà chơi
Việc làm quen với chữ cái, con số và các phép tính cơ bản sẽ giúp bé bổ sung thêm kiến thức nền tảng. Khi các cô kết hợp truyền đạt kiến thức vào những trò chơi, hoạt động vui nhộn sẽ khiến trẻ tiếp thu nhanh hơn, càng hào hứng muốn học cái mới.
Mọi hoạt động ở trường mầm non đều khiến các bé tiếp thu được kiến thức, rèn luyện phẩm chất và trí tuệ. Bé sẽ học được cách tập trung, quan sát, ghi nhớ, sáng tạo. Khi bé tự tin vào bản thân mình thì mỗi ngày đến trường của bé sẽ là một ngày tràn ngập niềm vui.
3. Có nên đưa trẻ đi học tại trường mầm non sớm không?
Trẻ có thể đi trường mầm non từ khi 18 tháng tuổi. Phương pháp Montessori đã chỉ ra rằng, từ 0 đến 6 tuổi là giai đoạn nhạy cảm, bé cần được phát triển tự nhiên, cần được tạo điều kiện để phát triển toàn diện nhất. Nếu bé được đi học ở trường mầm non sẽ là một điều kiện quá thích hợp để phát triển toàn diện.
Bé đến trường sớm sẽ được sớm tiếp xúc với bạn bè cùng lứa tuổi. Đó là sự mở rộng không gian xã hội để phát triển ngôn ngữ và giao tiếp. Bé sẽ học được cách chủ động và thể hiện mình trước đám đông.
Nhiều cha mẹ gửi con đến trường thì sợ con quấy khóc và lạ lẫm. Vấn đề sẽ được giải quyết nếu giáo viên nắm bắt được tâm lý học sinh, khéo léo trong ứng xử với trẻ. Vai trò của giáo viên đặc biệt quan trọng. Ở nhiều quốc gia phát triển, giáo viên được coi như nhân tố vạn năng, vừa uyên bác vừa khéo léo, vừa mềm mại vừa cứng rắng, vừa nắm bắt nhanh tâm lý học sinh lại vừa biết sử dụng những kỹ thuật tinh vi để dạy dỗ, uốn nắn một đứa trẻ. Hiện nay, một số trường mầm non trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh rất chú trọng vào chất lượng giáo viên, nhằm mang đến sự an tâm tin tưởng cho các bậc phụ huynh khi gửi con đến trường.
Đến trường mầm non các con sẽ được đón chào bằng những nụ cười rạng rỡ và thái độ ân cần của các cô. Trong các trò chơi, cô giáo để các con chơi tự do nhưng sẽ có cách dẫn dắt trẻ trong các tình huống khác nhau. Cô luôn đồng hành khuyến khích các con bộc lộ năng khiếu cá nhân và động viên kịp thời khi các con thiếu kiên nhẫn trong vấn đề của mình. Bé được khám phá, được sáng tạo và luôn cảm thấy “happy” để mỗi ngày đi học của con đều là một trải nghiệm tuyệt vời cùng thầy cô và bạn bè, để con lớn khôn khỏe mạnh và được phát triển toàn diện trong những năm đầu đời./.